Cơ hội nào cho thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020?

29/12/2019

Lượt xem: 576

Cơ hội nào cho thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020?

 

Năm 2019 được nhận định là một năm trầm lắng của thị trường bất động sản Việt Nam khi phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, thị trường được đánh giá là vẫn đang sở hữu những cơ hội, tiềm năng nhất định.

Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ 2, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam có dấu hiệu giảm sút. Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản, trong quý 3/2019, nhiều địa bàn tiếp tục chứng kiến sự đi xuống. Đơn cử, phân khúc căn hộ Hà Nội, nếu so với quý 2 năm nay, tổng số sản phẩm mới được chào bán ra thị trường trong quý 3 đã giảm hơn 2.200 căn và giảm hơn 4.000 căn so với cùng kỳ năm trước. Ở các tỉnh, thành lân cận Hà Nội như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên dù được đánh giá là tiềm năng nhưng nguồn cung và tỷ lệ giao dịch thành công cũng không khả quan. 

Dù đối mặt nhiều thách thức nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường trong năm 2020 vẫn có 5 cơ hội:

Thứ nhất, thị trường bất động sản vẫn giữ được sự ổn định, dựa vào các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô. Nỗ lực điều hành chính sách, cải cách kinh tế của Chính phủ ngày một hiệu quả nên đã tạo ra những kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. 

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 7,02%, vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (6,6 - 6,8%) mà Quốc hội đề ra. 10 tháng đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm 2019 đạt cao nhất gần thập kỷ qua, tương đối cao so với các nước trong khu vực. 

Chân dung một người đàn ông mặc vest xám, đứng trên bục phát biểu, bên cạnh là giỏ hoa lớn.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Thứ hai, nhu cầu về nhà ở của Việt Nam còn rất lớn. Cùng với việc trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có sự gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các khu đô thị hàng đầu trong khu vực. Cơ cấu dân số Việt Nam là nguồn cầu chính và bền vững của thị trường nhà ở do xuất phát từ nhu cầu mua để ở thực. Sự di dân kết hợp với tăng trưởng dân số tự nhiên tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM. Hàng năm, Việt Nam phải xây mới khoảng 100 triệu mét vuông nhà ở, trong đó khoảng 70% nhà ở để đáp ứng nhu cầu của dân cư đô thị. 

Thứ ba, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp có dư địa phát triển rất lớn. Đây là những điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn. Trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm, thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày, 85 triệu khách nội địa có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày… Việt Nam cần thêm hàng chục ngàn phòng khách sạn cao cấp. Trong khi đó, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt.

Thứ tư, vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng mạnh và ngày một thực chất hơn. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 10 tháng năm 2019, vốn FDI đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Với độ mở cao của nền kinh tế, đặc biệt, sau khi ký kết các hiệp định tự do hóa thương mại và mới đây nhất là Hiệp định CPTPP, EVFTA… nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. 

Thứ năm, trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nhờ đó, tổng đầu tư hạ tầng đến nay đã chiếm bình quân hơn 10% GDP, vượt qua cả khối các nền kinh tế Đông Á, vốn nổi tiếng với mức đầu tư cơ sở hạ tầng cao. Chỉ trong vòng 7 năm từ 2012 – 2019, cả nước đã có thêm 838km đường cao tốc được đầu tư mới, hoàn thành và đi vào sử dụng. Đây đều là những dự án trọng điểm, có tính kết nối liên vùng, tạo ra động lực to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Hình thức đầu tư cũng rất đa dạng, từ vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA đến các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP).